Sùng Thị Sơ, đại diện U-Reporter tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới 2024
Mình là Sùng Thị Sơ, một U-Reporter sinh năm 2002. Mình đến từ cộng đồng Mông tỉnh Yên Bái. Mình tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội, và hiện tại đang công tác và sinh sống tại đây. Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, bố mẹ không biết chữ, cũng vì thế mà gia đình rất khó khăn và không có nhiều nhận thức về việc bảo vệ môi trường sống. Từ khi đi học, mình mới có cơ hội nghiên cứu sâu thêm về các vấn đề xã hội, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Cũng vì thế, mình có ý thức rằng mình phải tuyên truyền, động viên bố mẹ không phá rừng làm nương rẫy và trồng nhiều cây xanh.
Năm 2009, khi mới chỉ 7 tuổi, mình đã có một trải nghiệm liên quan tới biến đổi khí hậu mà mình mang theo suốt đời.
Vì nhà ở ngay gần suối nên hôm đó mình với bố đã tận mắt chứng kiến một em bé 6 tuổi bị nước lũ cuốn trôi. Bởi địa hình dốc, sông chảy xiết, lũ cao nên hai bố con cũng không thể cứu được em bé.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều những trải nghiệm
liên quan tới thiên tai mà mình đã trải qua. Sự gia tăng hàng năm
của những cơn bão, lũ, thiên tai đã trở thành một phần trong cuộc sống của người
dân nơi mình sống. Biến đổi khí hậu là
nguyên nhân mật thiết nhất dẫn tới thực trạng này. Gần nhất là năm nay khi Yên
Bái và các tỉnh miền bắc phải đối mặt với cơn bão Yagi.
Trước khi bão Yagi chính thức đổ bộ, vì bố mẹ mình không biết
tiếng phổ thông, nên mình phải gọi liên tục và cập nhật tình hình thời tiết cũng
như thông tin về cơn bão cho bố mẹ, bà và anh chị. Tuy nhiên, ngay trong ngày
bão đổ bộ, sáng hôm đó anh rể mình bị tai nạn, chị phải đưa anh đi cấp cứu gấp.
Nhà anh chị cách nhà mình rất xa, còn ở sâu trên núi, và có hai con nhỏ. Vì sợ bố
mẹ lo lắng nên chị chỉ nói với mình, nhưng mình biết còn hai cháu nhỏ thì không an
toàn, nếu bão về các cháu sẽ không có khả năng phòng tránh. Nên mình đã lập tức gọi
cho mẹ, sau đó thì bố mình đi ngay trong đêm có bão để trông và chăm sóc hai cháu
nhỏ. Ở nhà chỉ còn mẹ và bà đã già yếu, vậy nên mình đã rất lo nhưng khi đấy
không còn xe về quê vì Yên Bái đã bị ngập sâu. Khó khăn lớn nhất của gia đình
trong cơn bão đó là việc người nhà không biết tiếng phổ thông để nắm thông tin,
cùng với việc ngọn núi đi đến bản mình có
nguy cơ bị sạt lở bất cứ lúc nào, đó cũng là con đường duy nhất đi vào bản, vậy
nên mình đã rất lo lắng sự cố có thể xảy ra. Trong thời gian đó, mình đã liên tục cập
nhật thông tin và gọi cho bố mẹ để nắm được tình hình ở nhà và biết rằng mọi
người vẫn an toàn.
Qua cơn bão này, mình nghĩ rằng trong tương lai cũng khó có thể đảm bảo sẽ không có một cơn bão mãnh mẽ hơn, có sức tàn phá lớn hơn.
Câu chuyện của mình chỉ là một trong những câu chuyện của người
trẻ trên khắp Việt Nam đang phải đối mặt với thiên tai và biến đổi khí hậu. Mật độ và sự khắc
nghiệt của các cơn bão đã và đang trở nên thường xuyên và tăng cường hơn. Khác với thế hệ trước
đây của ông bà, bố mẹ, giờ đây thế hệ chúng mình đang chứng kiến nhiều hơn những
hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiều trận sạt lở, bão lũ hơn. Đặc
biệt là chúng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Sơ chia sẻ về vai trò của trẻ em và thanh thiếu niên trong những nỗ lực liên quan tới biến đổi khí hậu
Theo mình, trẻ em và người trẻ là một phần không thể thiếu trong các giải pháp về biến đổi khí hậu chỉ đơn giản là vì trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.
Mình mong rằng các can thiệp và chiến lược có liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ đặt
trẻ em và thanh thiếu niên vào trung tâm. Vì chỉ khi có chúng mình thì những can thiệp mới
thực sự phù hợp và hiệu quả.
Mình cũng mong trẻ em và thanh
thiếu niên được giáo dục về biến đổi khí hậu sớm nhất có thể để có những nhận
thức và kỹ năng không thể thiếu được trong việc tăng cường khả năng ứng phó và
chống chịu trước những biến đổi. Và việc giáo dục này cần được đưa vào hệ thống
giáo dục phổ thông càng sớm càng tốt.