Mình là Linh, Đặng Thùy Linh.
Mình là một người phụ nữ mang trên mình khuyết tật về thể chất. Mình sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, thủ đô của Việt Nam. Chuyện kể rằng, mình được sinh ra vào thời kỳ sau chiến tranh.
Từ khi mình mới lọt lòng, rất nhiều người đã bàn tán về khiếm khuyết của mình. Một số người cho rằng có thể mình là một trong những nạn nhân của chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, do bố mình là một quân nhân từng tham gia chiến đấu trong hai năm tại chiến trường Quảng Trị - nơi phải hứng chịu một lượng lớn bom mìn và chất độc hóa học.
Một số khác thì cho rằng đó là do mẹ mình sinh ra mình khi bà đã nhiều tuổi. Có người còn nói đó là do quả báo từ kiếp trước. Mỗi khi được hỏi, mình luôn trả lời rằng: “Con sinh ra với khuyết tật. Có vậy thôi ạ.” Mình tin rằng khiếm khuyết của cơ thể không định nghĩa bạn là người như thế nào. Mình muốn bản thân mình được nhìn nhận qua những việc mình làm. Mình là nhà hoạt động vì quyền của người khuyết tật.
Hồi mình còn đi học mẫu giáo, có một lần mình và các bạn học cách đếm bằng ngón tay. Các bạn đều có 10 ngón tay, còn mình chỉ có 6 ngón. Các bạn hỏi mình:“Sao tay trái của cậu chỉ có 1 ngón?”.
Mình trả lời: “Vì chúng mình không phải ai cũng giống nhau”
Cha mẹ mình đã đúng khi cố gắng nuôi dạy mình trong một môi trường hòa nhập, nơi mình luôn có những người bạn không mang trên mình khuyết tật. Điều đó làm mình nghĩ rằng “Dù mình có khác với các bạn, không có nghĩa rằng mình không thể làm những gì mà các bạn có thể làm. Mình có thể làm mọi thứ theo cách riêng của mình - và cách đó không giống như cách của các bạn.”
Việc được học trong một môi trường giáo dục hòa nhập giúp mình hiểu được cả những thuận lợi lẫn khó khăn mà môi trường này mang lại cho sự phát triển của các trẻ em gái khuyết tật. Với trải nghiệm này, mình mong muốn nỗ lực để loại bỏ những trở ngại, cũng như đảm bảo những người khuyết tật đều có cơ hội để hòa nhập vào xã hội của chúng ta một cách toàn diện và bình đẳng.
Sau khi học xong cấp 3, mình khá băn khoăn khi phải quyết định mình sẽ học ngành gì khi lên đại học.
Khi đó, mình đã rất tự tin và nói “Con định học Luật.”
Phần lớn mọi người đều không ủng hộ ý kiến của mình. “Con nên thực tế đi. Bác nghĩ con nên chọn ngành gì đó dễ hơn, dễ tìm việc ổn định hơn. Đầy người chân tay lành lặn còn đang thất nghiệp kia kìa, con còn không được như người ta!”
Việc nghi ngờ bản thân đã khiến mình quyết định đăng ký cả hai ngành - ngành mà mình muốn học và ngành mà mọi người khuyên là sẽ giúp một người khuyết tật như mình có công việc ổn định. Đến cuối cùng, khi trái tim mách bảo, mình quyết định theo đuổi ước mơ của mình.
Lý do cho quyết định này cũng khá đơn giản. Mặc dù mình không chắc là mình có thể kiếm được một công việc sau khi ra trường, nhưng mình tin chắc rằng mình sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc khi làm những điều mà người khác bảo mình làm - một thứ đã luôn tồn tại trong cuộc đời mình. Mình là người duy nhất chịu trách nhiệm về cuộc đời mình.
Quan trọng hơn, trong khi nỗ lực loại bỏ những khó khăn khiến những trẻ em khuyết tật không thể thực hiện giấc mơ của mình, thì trải nghiệm của bản thân đã dẫn lối cho mình đến một đam mê khác. Và hôm nay, mình đang nỗ lực vận động cho sự bình đẳng và hòa nhập của các em, dù con đường không phải lúc nào cũng trải hoa hồng và có rất nhiều khúc mắc mà mình đã phải vượt qua.
Là một nhà hoạt động cho người khuyết tật tại Việt Nam với tuổi đời còn rất trẻ, mình tự thấy mình là một nhân tố mang lại sự thay đổi, người mang trọng trách lớn lao là đại diện cho tiếng nói và phong trào của người khuyết tật trong hành trình vận động về việc đảm bảo quyền, cũng như trong việc đóng góp cho một xã hội hòa nhập.
Mình tập trung vào các nghiên cứu và hoạt động vì quyền của người khuyết tật. Việc nghiên cứu khiến mình nắm được những thực tế, thực trạng trong thời điểm hiện tại một cách cụ thể hơn, cũng như giúp mình hiểu sâu sắc hơn về những vấn đề đang có ảnh hưởng đến cộng đồng người khuyết tật.
Trong vai trò là Điều phối viên cho mảng người khuyết tật tại Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh ở Hà Nội, mình có thể áp dụng những kiến thức và thực hành mà mình đã học được để giúp đỡ những trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn nhất, trong đó có những em là nạn nhân của nạn buôn bán người và xâm hại tình dục, cũng như hỗ trợ pháp lý cho các em. Mình cũng giúp đỡ những em chưa có cơ hội được đến trường, trẻ em lang thang, sinh sống trên đường phố và trẻ em dân tộc thiểu số. Những đóng góp nhỏ bé của mình trong việc thay đổi cuộc sống của họ đã được đền đáp xứng đáng. Điều này khiến mình cảm thấy hạnh phúc khi đi làm mỗi ngày.
Thông qua công việc và các hoạt động vận động, mình cũng đã trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Khi làm việc với một nhóm trẻ khiếm thính và học ngôn ngữ ký hiệu, mình nhận ra rằng khiếm khuyết của một cơ thể với chỉ một bên tay có đủ ngón tay không thể ngăn cản mình giao tiếp với các em. Những rào cản và hạn chế sẽ không thể ngăn cản chúng ta khi chúng ta thay đổi góc nhìn của chính mình. - HẾT